Sở Y tế Đà Nẵng làm việc với các địa phương miền núi về công tác y tế, dân số
Thứ sáu - 18/07/2025 04:29
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 01/7/2025, thành phố Đà Nẵng mới chính thức được thiết lập trên cơ sở sáp nhập thành phố Đà Nẵng cũ và tỉnh Quảng Nam. Trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính, ngành Y tế đứng trước yêu cầu cấp thiết phải rà soát và đánh giá toàn diện thực trạng y tế địa phương, đặc biệt tại khu vực miền núi - nơi còn gặp nhiều khó khăn về giao thông, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực y tế.
Nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch làm việc tại các Trung tâm Y tế khu vực miền núi. Chương trình làm việc được triển khai tại 9 Trung tâm Y tế gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn.
Đoàn công tác do Bs.CKII Trần Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của các Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Y tế. Tham gia đoàn còn có lãnh đạo, các trưởng khoa chuyên môn của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Đơn vị đầu tiên Đoàn đến làm việc là Trung tâm Y tế khu vực Tây Giang vào ngày 17/7/2025. Tại đây, đoàn tập trung đánh giá tình hình triển khai các hoạt động chuyên môn bao gồm: khám chữa bệnh, y tế dự phòng, công tác dân số, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và hoạt động của mạng lưới Trạm Y tế. Dựa trên thực tế ghi nhận, đoàn đã lắng nghe và ghi nhận những khó khăn, từ đó đề xuất định hướng giải pháp, hỗ trợ từ các cấp và tuyến trên, đồng thời nghiên cứu xây dựng mô hình y tế phù hợp với đặc thù vùng miền và tổ chức hành chính hai cấp.
Toàn cảnh buổi làm việc tại Trung tâm Y tế khu vực Tây Giang
Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trạm Y tế Quân dân y AXAN, trực thuộc xã Hùng Sơn. Tại đây, đoàn ghi nhận tình hình chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ y tế, và hoạt động khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe cộng đồng.
Kết luận buổi làm việc tại khu vực xã Tây Giang và xã Hùng Sơn, Bs.CKII Trần Thanh Thủy đã biểu dương những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại các đơn vị trong điều kiện còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế cũng nhấn mạnh: “Trên cơ sở góp ý, đơn vị hoàn chỉnh báo cáo, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn theo đúng chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với đặc thù vùng miền núi - nơi dân cư thưa thớt, giao thông và hạ tầng còn hạn chế. Ghi nhận tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng cần được cải tạo, sửa chữa để đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh và triển khai các chương trình y tế; sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn y tế, kế toán đặt ra yêu cầu nghiên cứu và đề xuất chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhân lực (tương tự Nghị quyết số 95/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng) đặc thù cho khu vực miền núi. Đồng thời, cần rà soát điều kiện, năng lực của cơ sở để đề xuất triển khai các kỹ thuật y tế phù hợp, tăng cường kết nối với Trung tâm cấp cứu 115, tư vấn, hội chẩn từ xa qua ứng dụng Telehealth, đồng thời quan tâm đào tạo chuyên khoa cho nhân lực tại chỗ. Các phòng chuyên môn của Sở Y tế chủ động báo cáo và tham mưu đề xuất cơ chế thanh toán khám chữa bệnh phù hợp với đặc thù vùng biên với sự tham gia khám chữa bệnh của nhân dân Lào….”
Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ nhân lực chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực chuyên môn của bác sĩ, điều dưỡng… cho Trung tâm Y tế khu vực Tây Giang.
Đoàn chụp hình lưu niệm với nhân viên Trạm Y tế Quân dân y AXAN
Chuyến làm việc trực tiếp tại các địa phương miền núi là hoạt động cần thiết và kịp thời góp phần giúp ngành Y tế thành phố xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế. Đây không chỉ là dịp để Sở Y tế thành phố nắm bắt thực trạng hoạt động tại tuyến y tế cơ sở tại khu vực đặc thù miền núi mà còn là cơ hội thiết thực để kết nối, thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa tuyến trên và tuyến y tế cơ sở sau khi sáp nhập địa giới hành chính. Qua đó, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống và chăm sóc sức khỏe cho toàn thể người dân - không phân biệt địa bàn, hoàn cảnh hay điều kiện kinh tế./.