Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành. Ở giai đoạn này các em có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm, thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng mối quan hệ mới.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vị thành niên Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, lạm dụng các chất gây nghiện…Thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, đặc biệt thiếu tiếp cận với các nguồn thông tin tin cậy cũng như các dịch vụ tư vấn dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là những nguyên nhân khiến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên càng trở nên trầm trọng hơn.
Mang thai và tránh thai cho lứa tuổi vị thành niên là một trong những nội dung mà trẻ vị thành niên cần hiểu biết đầy đủ để dự phòng hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần không những hiện tại mà còn lâu dài trong tương lai.
Mang thai là gì?
Mang thai là một hành trình kỳ diệu, là thời kỳ quan trọng để chuẩn bị chào đón một sinh linh bé nhỏ ra đời. Đó là thiên chức tuyệt vời của người phụ nữ và là quy luật tự nhiên để duy trì nòi giống.
Để mang thai được chúng ta phải có sự thụ thai. Sự thụ thai nói chung là quá trình giao tử đực kết hợp với giao tử cái (ở người là tinh trùng kết hợp với trứng/noãn) để tạo ra 1 cá thể mới của loài. 2. Dấu hiệu nhận biết có thai
- Có quan hệ xâm nhập đường dương vật - âm đạo
- Chậm kinh
- Một số dấu hiệu: buồn nôn, vú căng tức, thay đổi thói quen ăn uống hoặc khẩu vị, đi tiểu nhiều hơn bình thường…
- Một số dấu hiệu muộn: bụng to dần, vú to dần với quầng vú thẫm màu, cảm nhận thai cử động… 3. Nguy cơ của việc mang thai ở tuổi vị thành niên
* Nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ
- Tử vong mẹ cao do bệnh lý trong thai kỳ, tăng can thiệp thủ thuật/phẫu thuật khi sinh.
- Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên cao hơn so với các bà mẹ sinh con khi đã ở tuổi trưởng thành.
- Vị thành niên mang thai, sinh con sẽ bị gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế, gặp bế tắc trong cuộc sống, nguy cơ cao bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý do các em chưa sẵn sàng mang thai và làm mẹ.
* Nguy cơ khi phá thai
- Vị thành niên thường phát hiện ra mình mang thai muộn nên dẫn đến phá thai muộn và sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm như chảy máu nhiều, nhiễm khuẩn, rách tử cung …, thậm chí tử vong. Phá thai ở tuổi vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn so với người trưởng thành.
- Do tâm lý e ngại, muốn giấu giếm, vị thành niên thường lựa chọn các cơ sở dịch vụ phá thai bất hợp pháp (phá thai “chui”) gây ra hậu quả nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, tổn thương đường sinh dục, có thể tử vong.
- Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể nặng nề và kéo dài. 4. Một số quan niệm sai lầm về mang thai
a) Bạn gái chưa có kinh nguyệt, nếu quan hệ tình dục thì không có thai?
* Giải thích: Sai! Trước khi bạn gái có kinh lần đầu, có thể đã có trứng rụng, nếu quan hệ tình dục vẫn có thể có thai. b) Bạn gái không thể có thai nếu được rửa bộ phận sinh dục ngay sau khi quan hệ tình dục.
* Giải thích: Không đúng! Dù có rửa bộ phận sinh dục ngay và sau khi quan hệ tình dục thì vẫn còn tinh trùng trong âm đạo và tử cung, do vậy bạn gái vẫn có thể mang thai. c) Bạn gái không thể có thai nếu bạn trai xuất tinh ngoài âm đạo?
* Giải thích: Không hoàn toàn đúng! Trước khi bạn trai xuất tinh, đã có một số tinh trùng theo tinh dịch vào âm đạo nên bạn gái vẫn có khả năng mang thai. Ngay cả ở người trưởng thành, đã có kinh nghiệm thực hiện xuất tinh ngoài âm đạo thì đây cũng là phương pháp có tỷ lệ thất bại cao, ít được khuyến khích. d) Quan hệ tình dục chỉ 1 lần thì không có thai?
* Giải thích: Rất sai lầm! Chỉ cần 01 lần duy nhất, quan hệ tình dục đúng thời kỳ rụng trứng thì bạn gái vẫn có thể có thai. Hơn nữa, rụng trứng có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn dự kiến (tính theo chu kỳ kinh) do nhiều yếu tố tác động (xúc cảm, hưng phấn…). e) Quan hệ tình dục khi hành kinh thì không có thai?
* Giải thích: Ở một số trường hợp hiếm gặp, trứng vẫn rụng trong giai đoạn còn kinh nguyệt (tùy thuộc vào kỳ kinh dài hay ngắn và các yếu tố tác động khác). Kể cả trứng rụng sau ngày đó thì vẫn có khả năng thụ thai vì tinh trùng có thể sống tới 5 ngày trong âm đạo.
Mặt khác, không khuyến khích quan hệ tình dục trong giai đoạn hành kinh vì gia tăng nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục, kể cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục. 5. Các biện pháp tránh thai thích hợp với vị thành niên
a) Tình dục không xâm nhập: Chỉ thực hiện các hành vi tình dục không có sự tiếp xúc giữa dương vật và âm đạo như ôm hôn, vuốt ve, thủ dâm…
Tuy nhiên, ở tuổi vị thành niên, việc thực hiện các hành vi tình dục không xâm nhập có thể dẫn đến hưng phấn cao độ, không làm chủ được cảm xúc, làm nảy sinh ham muốn thực hiện hành vi tình dục có xâm nhập. Cần hạn chế thực hiện cũng như rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc để không vượt quá ranh giới an toàn.
b) Bao cao su: Bao cao su nam giống như một chiếc túi, bao phủ toàn bộ dương vật để tạo thành một rào cản, ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào âm đạo. Tương tự, bao cao su nữ được đặt bao trùm vùng âm hộ-âm đạo- cổ tử cung.
Để tránh thất bại khi dùng bao cao su ở cả 2 giới, bạn trẻ cần học cách sử dụng bao cao su đúng cách.
Bao cao su là biện pháp tránh thai được khuyến khích với vị thành niên, vừa tránh thai và phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi sử dụng đúng cách.
c) Uống thuốc tránh thai hàng ngày
d) Uống thưốc tránh thai khẩn cấp
Với 2 phương pháp vừa kể trên, vị thành niên cần được thầy thuốc tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng để đạt hiểu quả tránh thai cao, tránh những hiểu nhầm đáng tiếc khi dùng thuốc tránh thai mà vẫn có thai ngoài ý muốn.
Lời nhắn nhủ cuối cùng: Tuổi vị thành niên là lứa tuổi đặc biệt của đời người, lứa tuổi của nhiều ước mơ và hoài bão tốt đẹp trong tương lai. Mang thai ở tuổi vị thành niên có nhiều hậu quả kể cả khi quyết định giữ thai, sinh con cũng như khi phá bỏ thai. Các em cần tìm hiểu đầy đủ thông tin, rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc và ra quyết định, thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe vì chính bản thân mình.
Box: Mọi vướng mắc liên hệ: Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng. Điện thoại: 02363890413, Email: cssksscdcdng@gmail.com