Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao và có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn.
Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hầu như ai cũng “mặc định” đó là việc của phụ nữ. Vai trò của nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình dường như rất mờ nhạt, thậm chí có nhiều người còn nghĩ mình không có trách nhiệm trong việc tham gia/chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nguyên nhân là do còn tồn đọng về những thành kiến, định kiến về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, do tư tưởng gia trưởng của người đàn ông trong gia đình. Điều này đã khiến cho người phụ nữ không được chia sẻ từ phía người đàn ông khi bản thân phải gánh nặng hai vai: việc gia đình và việc xã hội. Sự không hài hòa, thiếu chia sẻ trong đời sống gia đình cũng như công việc xã hội giữa người đàn ông và người phụ nữ; ít nhiều dẫn đến bất ổn, suy giảm hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc không chỉ một người có thể xây dựng và bồi đắp được mà phải có sự chia sẻ và đồng cảm từ hai phía, cùng nhau có trách nhiệm trong mọi vấn đề: công việc xã hội, chăm sóc nuôi dạy con cái… và phải có trách nhiệm trong cả việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Thử nói về kế hoạch hóa gia đình nhé! Với nghĩa rộng: Kế hoạch hóa gia đình là quá trình kiểm soát khả năng sinh con, điều chỉnh khoảng cách giữa các lần sinh và số con trong gia đình một cách chủ động, có kế hoạch; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, công ăn việc làm...của gia đình trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhà nước; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và phát triển bền vững của đất nước”, trong đó có 2 nhóm tình huống thường gặp:
- Vợ chồng chủ động KHHGĐ bằng việc áp dụng các biện pháp tránh thai. Các BPTT có thể dùng cho nam hoặc nữ. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy các BPTT dành cho nam ít hơn nhiều cho nữ. Và trong thực tế, thống kê cho thấy việc sử dụng biện pháp tránh thai của nam giới (chủ yếu là bao cao su nam) có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ BBTT phụ nữ trực tiếp áp dụng.
- Vợ chồng thụ động tìm giải pháp tình thế trong trường hợp tránh thai thất bại hay nôm na gọi là “vỡ kế hoạch”. Ở nhóm tình huống này, đối tượng chịu tác động, mà là tác động rất to lớn đến sức khỏe thể chất, tâm lý, xã hội lại rơi hoàn toàn vào phụ nữ.
Như vậy, muốn chia sẻ gánh nặng KHHGĐ cho người phụ nữ, không có giải pháp nào thích hợp hơn là nam giới cần chủ động tìm kiếm thông tin và thực hiện BPTT chủ động dành cho mình.
BPTT chủ động chỉ tác động trực tiếp lên nam giới có thể kể ra: bao cao su nam và triệt sản nam. Bao cao su nam là BPTT dễ thực hiện, thuận lợi khi sử dụng nhưng cũng có vài nhược điểm là có thể gây kích ứng da, khoảng 2% thất bại (do BCS kém chất lượng, thủng, sử dụng sai cách…). Khi cần áp dụng 1 BPTT hiệu quả cao, có giá trị kéo dài (hầu như vĩnh viễn) thì phải lựa chọn triệt sản nam. Tuy nhiên, trong thực tế, một khi lựa chọn BPTT là triệt sản thì xu hướng cặp vợ chồng lại nghĩ đến triệt sản nữ. Vì sao như vậy?
Không bàn đến tư tưởng, tập quán như đã đề cập ở trên, về góc độ chuyên môn, chúng ta nhận thấy không ít người hiểu sai về phương pháp này. Đại loại khi tư vấn về triệt sản nam, thường nhận được có một số thắc mắc như sau: * Triệt sản nam làm như thế nào?
Triệt sản nam là kỹ thuật thắt và cắt ống dẫn tinh, mục đích là làm gián đoạn đường đi của tinh trùng (được sản xuất từ tinh hoàn) ra túi tinh. Phần tinh trùng không thể di chuyển đến túi tinh sẽ đọng lại trong ống sinh tinh, mào tinh và một phần dưới ống dẫn tinh sau đó tự tiêu đi. Như vậy, khi 2 vợ chồng "sinh hoạt", tinh dịch vẫn được phóng thích như bình thường nhưng không có tinh trùng, người vợ sẽ không thể thụ thai được.
Để thực hiện thủ thuật này ở nam giới, các bác sĩ chỉ mất chừng 20 phút để tìm và thắt, cắt bỏ một đoạn nhỏ ống dẫn tinh, bịt hai đầu ống còn lại bằng cân thừng tinh để tinh trùng không thể lưu thông. Bác sĩ sẽ dùng dao hoặc không dùng dao (dùng một dụng cụ nhỏ) để tách da bìu nên vết thương ở da rất nhỏ đến nỗi không cần phải khâu lại sau khi tách. Chỉ cần đặt một miếng gạc và băng ép tại chỗ trong 5-7 ngày, giữ khô ráo cho vết tách khít lại. * Triệt sản nam có ảnh hưởng gì không?
Các biến chứng của thắt ống dẫn tinh là rất hiếm, nếu có thường liên quan đến chảy máu trong lúc triệt sản. Một số biến chứng hiếm gặp khác bao gồm phản ứng thuốc tê, sưng đau, tụ máu sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn và biến chứng trễ hơn có thể là viêm tinh hoàn, u hạt tinh trùng.
Việc theo dõi sau khi thực hiện triệt sản là rất cần thiết để phát hiện sớm các biến chứng và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau kéo dài (2%) nhưng thường không quá 1 năm.
Triệt sản nam như đã mô tả, là làm gián đoạn cơ học ống dẫn tinh, không tác động gì đến tinh hoàn (được xem là nhà máy sản xuất tinh trùng và nội tiết nam) nên không ảnh hưởng gì đến nội tiết như nhiều người nhầm tưởng. Ngược lại, việc lo lắng thái quá do thiếu hiểu biết này có thể tác động đến trục nội tiết: vỏ não-vùng dưới đồi-tuyến yên-tinh hoàn; đây là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nội tiết nam từ tinh hoàn.
Một số người còn nhần lẫn rất tai hại giữa triệt sản nam và “thiến”! “Thiến” ở đây hiểu đúng bản chất là cắt bỏ tinh hoàn! Chính vì vây, “thiến” xem như lấy mất nhà máy sản xuất nội tiết và hẳn nhiên sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất nội tiết của người bị “thiến”. Nên xin nhắc lại: triệt sản nam hoàn toàn không phải là “thiến”! * Triệt sản có khiến đàn ông giảm ham muốn không?
Tương tự ý trên, nhiều người nghĩ việc triệt sản sẽ biến đàn ông trở thành "thái giám", sẽ rụng râu và thay đổi giọng nói, sẽ biểu hiện nữ hóa hoặc lưỡng tính… nhưng thực tế không phải vậy. Triệt sản không hề làm ảnh hưởng đến bề ngoài cũng như khả năng sinh lý của đàn ông. Thắt ống dẫn tinh không đụng chạm đến tinh hoàn, không ảnh hưởng gì đến chức năng sinh dục của nam giới. Tinh hoàn không chỉ sinh tinh trùng mà nó còn sản xuất chất nội tiết có tên testosterone (ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển cơ thể, tạo nên đặc tính sinh dục nam và hoạt động tình dục của nam giới). Khi ống dẫn tinh bị thắt, người đàn ông vẫn ham muốn, đạt cực khoái, phóng tinh như bình thường. Tuy nhiên, đây sẽ là phần tinh dịch loãng, không có tinh trùng. * Triệt sản nam phức tạp hơn triệt sản nữ?
Hoàn toàn không! Triệt sản nam là phẫu thuật nhỏ, đơn giản hơn nhiều so với triệt sản nữ vì phẫu thuật thực hiện ở bìu (phần cơ thể lộ ra bệnh ngoài) trong khi triệt sản nữ phải đi vào ổ bụng. Việc đi vào ổ bụng qua 1 lỗ nhỏ 2-3cm ở nữ, đặc biệt trên người mập, thành bụng dày sẽ rất khó khăn để tìm thấy vòi trứng ở sâu bên trong rồi thắt và cắt. Vết tách da bìu ở nam giới chỉ nhỏ trung bình 0,5cm và dễ dàng tiếp cận ống dẫn tinh. Vì vậy, thời gian trung bình để triệt sản nam chỉ cần 20 phút trong khi triệt sản nữ thường mất trung bình 30-50 phút.
Các biến chứng sau triệt sản nam và nữ hiếm gặp nhưng nếu có, việc theo dõi, phát hiện bất thường sau triệt sản nam cũng dễ hơn triệt sản nữ vì có thể “nhìn thấy” ngay.
Thời gian phải nghỉ làm việc sau triệt sản của nam cũng ngắn hơn nữ. Sau triệt sản vài giờ, nam có thể về, tự theo dõi, chỉ cần giữ khô ráo bìu và không vận động, tác động lực lên vùng bìu trong vài ngày. Kiêng giao hợp hoặc giao hợp có sử dụng bao cao su trong 20 lần xuất tinh đầu tiên để đảm bảo trong tinh dịch không còn tinh trùng tồn đọng trước đó. Nam không khâu da nên không phải cắt chỉ như triệt sản nữ
Nhìn lại triệt sản nam nhằm thấy được vai trò của nam giới trong việc chia sẽ trách nhiệm trong chăm sóc Sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình, tạo sự bình đẳng về chăm sóc y tế, cơ hội học hành cho trẻ em gái và phụ nữ. Việc thu hút sự tham gia của nam giới vào các vấn đề sức khỏe sinh sản là hết sức quan trọng, góp phần thực hiện bình đẳng giới./.
Dạ Thảo – Mỹ Lệ Khoa Sức khỏe sinh sản – CDC Đà Nẵng