Đà Nẵng chủ động giám sát và phòng, chống cúm A(H5N1)

Thứ tư - 16/07/2025 04:20
Trước tình hình dịch cúm gia cầm A(H5N1) đang diễn biến phức tạp trong nước và khu vực, Trung tâm Kiểm soat bệnh tật thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan từ động vật sang người.
cúm A(H5N1)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 11 ổ dịch cúm A(H5N1) tại 7 tỉnh/thành phố, khiến hơn 29.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy. Đáng chú ý, ngày 21/6/2025, Campuchia xác nhận ca tử vong thứ 5 do cúm A(H5N1) ở người, trong tổng số 6 trường hợp mắc bệnh trong năm nay. Điều này cho thấy nguy cơ cúm A(H5N1) lây lan và xâm nhập là rất đáng lo ngại, nhất là ở các địa phương có giao thương, tiếp xúc gần với khu vực có dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các đơn vị y tế, thú y và chính quyền địa phương phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ và chủ động.
Nhằm tăng cường giám sát và phát hiện sớm ca bệnh, đề nghị các Trung tâm Y tế khu vực trên địa bàn thành phố cần phối hợp với các đơn liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng bệnh cúm A(H5N1), nhất là tại các khu vực có gia cầm ốm, chết hoặc có nguy cơ cao. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị thú y địa phương để truyền thông thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt là các nước giáp ranh, nhằm tăng cường giám sát và chủ động phòng ngừa.
Theo đó, tăng cường giám sát tại cộng đồng, trường học, khu công nghiệp và cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ cúm, đặc biệt là những ca có triệu chứng hô hấp nặng hoặc tiền sử tiếp xúc gia cầm.
Chủ động phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để xử lý kịp thời các ổ dịch cúm gia cầm.
Đối với các đơn vị khám chữa bệnh, ngoài thực hiện công tác báo cáo theo quy định, các đơn vị cần tăng cường phối hợp với y tế dự phòng trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị CDC tỉnh Quảng Nam phối hợp cung cấp thông tin về các ca mắc cúm A(H5N1) trên người tại 78 xã phường (trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũ) nếu có. Đồng thời, cùng phối hợp triển khai thực hiện truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cần chia sẻ kịp thời thông tin về các ổ dịch cúm gia cầm, đồng thời chỉ đạo tuyến dưới phối hợp với ngành y tế trong công tác điều tra, xử lý và truyền thông phòng bệnh.
Tại Đà Nẵng, tuy chưa ghi nhận ca bệnh dịch cúm A(H5N1) ở người , nhưng diễn biến khu vực đang rất đáng lo ngại. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:  
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.
Thanh Bình
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây