Những lời khuyên cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Thứ sáu - 10/11/2023 01:42
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi là COPD) là một bệnh dịch toàn cầu ảnh hưởng đến 200-300 triệu người trên toàn thế giới và gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm. Gánh nặng lớn nhất của COPD được tìm thấy ở Châu Á. Ở Đông Nam Á, ví dụ như ở Việt Nam, dịch bệnh COPD đang được thúc đẩy bởi sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá trong thập kỷ qua.
COPD là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. COPD là một trong những bệnh gây tàn phế và là nguyên nhân gây tử vong thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Hút thuốc lá là nguyên nhân thường gặp nhất của COPD, tiếp đến là do ô nhiễm không khí, ô nhiễm từ khói bếp do đốt than, củi, cơm. Hiện tại, bệnh COPD chưa được chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi. Vì vậy, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh như không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá, tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành. Đối với những bệnh nhân mắc COPD, việc phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Nếu bạn đã mắc bệnh COPD thì cần tuân thủ theo sự hướng dẫn điều trị của bác sĩ và thực hiện những lời khuyên sau đây: - Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cần khám định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh. - Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu bạn là người hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh xa nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá. Dùng thuốc cai thuốc lá nếu cần. - Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than. - Luyện tập, giữ cho thân thể khoẻ mạnh. Tập thở theo hướng dẫn của Bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. - Vệ sinh mũi họng thường xuyên. - Tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm 1 lần vào đầu mùa thu, vắc xin phòng phế cầu 5 năm 1 lần. - Nếu bạn bị COPD mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khoẻ cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần. - Đến cơ sở y tế ngay nếu tình trạng của bạn xấu đi. - Cần chuẩn bị sẵn: số điện thoại của bác sỹ, bệnh viện mà bạn có thể đến ngay được, danh sách các thuốc bạn đang dùng. - Đi cấp cứu ngay nếu bạn có dấu hiệu nguy hiểm sau đây: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng - thở gấp và khó. Tóm lại: COPD là một bệnh mãn tính, có nghĩa rằng một khi đã mắc bệnh thì người bệnh sẽ phải chung sống cả đời với bệnh này. Để phòng COPD, người bệnh cần bỏ và tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, khói độc hại, bụi. Chúng ta cần có bảo hộ lao động tốt cho những người làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm. Cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đều đặn, nhất là hít thở không khí trong lành trước va sau khi ngủ. Nếu thời tiết chuyển lạnh, cần mặc ấm, không để nhiễm lạnh đột ngột. Khi ra đường, cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm; tay chân cần đi tất. Luôn luôn có đủ thuốc dự phòng mà bác sĩ đã kê đơn trong các lần khám bệnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa. Bình Minh