Tác động của biến đổi khí hậu đến an toàn nước uống
Thứ năm - 29/12/2022 03:47
Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn nước của người dân trên khắp thế giới, nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng gây ra hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng hơn. Biến đổi khí hậu tác động đến chu trình nước bằng cách ảnh hưởng đến thời gian, địa điểm và lượng mưa. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên khiến lượng nước bốc hơi lớn hơn, dẫn đến lượng hơi nước trong khí quyển cao hơn khiến những trận mưa lớn, dữ dội và thường xuyên hơn.
Từ những năm 1950, có sự gia tăng về cường độ của các trận mưa và các đợt khô hạn kéo dài ở nhiều nơi. Thêm vào đó, nhiều yếu tố kết hợp làm trầm trọng hơn các hậu quả của biến đổi khi hậu do yếu tố con người như: sự tan chảy nhanh chóng của các sông băng; sự thay đổi tần suất, cường độ, thời gian của lũ lụt, hạn hán một cách thường xuyên và nghiêm trọng hơn; sự suy giảm trữ lượng nước ngầm, giảm lượng nước tái sinh và suy giảm chất lượng nước do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các tác động chính của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước uống
- Hạn hán có nghĩa là nước có sẵn ít, nhiều nước bị ô nhiễm hơn.
Hạn hán có thể làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước uống. Nguồn nước giảm tạo ra những khó khăn to lớn đối với các cộng đồng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Ít nước hơn có nghĩa là trẻ em và phụ nữ thường phải đi bộ xa hơn để lấy nước, giảm thời gian đi học và các hoạt động sản xuất khác. Việc không được tiếp cận với nguồn nước đầy đủ có thể dẫn đến di cư và xung đột; người ta ước tính rằng thiếu hụt nước có liên quan đến 10% sự gia tăng của việc di cư toàn cầu.
- Lũ lụt làm hỏng cơ sở hạ tầng và có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.
Lũ lụt có thể phá hủy hoặc làm hỏng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như các điểm phân phối nước và nhà vệ sinh. Khi nhà tiêu, nhà vệ sinh bị ngập có thể làm ô nhiễm nguồn nước. Lũ lụt và lượng mưa gia tăng cũng có thể làm tăng lượng bùn và mầm bệnh trong nước mặt, ảnh hưởng đến khả năng xử lý.
- Lượng băng tan ngày càng tăng đang khiến nước trở nên không bền vững đối với hàng triệu người.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), băng và tuyết phủ đang giảm đáng kể ở hầu hết các khu vực. Khi lượng băng tan nhanh hơn lượng băng được hình thành, nó không chỉ góp phần làm tăng mực nước biển mà còn làm cạn kiệt nguồn nước ngọt dự trữ hiện đang phục vụ hàng triệu người. Sự cạn kiệt này không chỉ dẫn đến ít nước hơn, mà còn dẫn đến suy giảm chất lượng nước.
- Mực nước biển dâng dẫn đến sự nhiễm mặn nước ngọt ở các vùng ven biển.
Mực nước biển dâng cao có thể dẫn đến nước mặn xâm nhập vào các nguồn nước ngọt, khiến nước không thể uống được. Mực nước biển dâng đang có tác động lớn, đặc biệt là ở các khu vực ven biển trũng thấp, các quốc gia đang phát triển và các đảo nhỏ. Những vùng này phụ thuộc vào nguồn nước ngầm nên rất dễ bị tổn thương do tác động của quá trình nhiễm mặn.
- Sự gián đoạn cơ sở hạ tầng và dịch vụ gây ra chi phí kinh tế lớn.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với các dịch vụ cấp nước dẫn đến chi phí kinh tế khổng lồ hàng năm cho nhiều quốc gia. Các hiện tượng thời tiết cực đoan thường làm gián đoạn các dịch vụ cung cấp nước và vệ sinh đến mức chúng thường không thể hoạt động an toàn nữa, với việc sửa chữa và khôi phục các dịch vụ này tốn hàng tỷ đô la hàng năm.
Những tác động của biến đổi khí hậu có tác động đáng kể đến việc tiếp cận nước uống an toàn và là mối đe dọa những thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây. IPCC ước tính rằng khoảng 4 tỷ trong số 7,8 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng mỗi năm.
Khi thế giới tiếp tục đô thi hóa, nhu cầu về nước ở các thành phố được dự báo sẽ tăng từ 50-80% trong vòng 3 thập kỷ tới. Cư dân thành thị đặc biệt là người nghèo ở thành thị là đối tượng dễ bị tổn thương hơn do tác động của biến đổi khí hậụ. Biến đổi khí hậu làm tăng thêm áp lực về nhân khẩu học và chuỗi cung ứng đối với các thành phố, dẫn đến lo ngại về tình trạng thiếu nước trên diện rộng, kết hợp với các thảm họa khí hậu định kỳ, dẫn đến các gián đoạn lớn về mặt xã hội và kinh tế lớn. Việc này xảy ra nghiêm trọng hơn đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở các vùng nông thôn việc thiếu năng lực quản lý và các dịch vụ cung cấp nước chưa được chuyên nghiệp hóa làm cho các vùng này bị ảnh hưởng bởi tác động biến đổi khí hậu nhiều hơn.
Hiện nay phần lớn các quốc gia đều có chính sách và đầu tư tài chính cho nước uống. Theo Tổ chức Phân tích và Đánh giá toàn cầu về vệ sinh và nước uống (GLAAS- Global Analysis and Assessment of Sanitation and Drinking-Water) 2021/2022, phần lớn các quốc gia tham gia cuộc khảo sát quốc gia cho biết đã chính thức phê duyệt chính sách nước uống quốc gia cho các khu vực thành thị và nông thôn. Tuy nhiên rất ít báo cáo cho thấy có đủ nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện các kế hoạch này.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu trên diện rộng, nhanh chóng, ngày càng gia tăng đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng nước uống. Trước thực trạng đó các quốc gia cần xây dựng các kế hoạch ứng phó khẩn cấp (ERPs) nhằm phác thảo các hoạt động cần thiết trong trường hợp xảy ra sự cố, từ khâu chuẩn bị đến khi phục hồi. Một số hiện tượng thời tiết cực đoan được xem xét trong ERPs có thể thay đổi về tần suất hoặc cường độ của chúng do sự thay đổi của khí hậu, điều này có thể yêu cầu thực hiện các thay đổi đối với các kế hoạch này để bao phủ được phạm vi rộng hơn của các sự cố có thể xảy ra. Do đó cần cần cập nhật kế hoạch dự phòng hạn hán. Các kế hoạch dự phòng hạn hán sẽ bao gồm việc sử dụng các nguồn cung cấp nước thay thế và áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và những người sử dụng nước khác. Các kế hoạch này cần được cập nhật thường xuyên để phù hợp với hoạt động và tài chính hiện có./. (Phước Bình- Theo WHO)
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...