TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU, SỐT XUẤT HUYẾT
Thứ hai - 21/09/2020 23:40
Sáng 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với sự tham gia của 62 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.
Sáng 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với sự tham gia của 62 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.
Thời tiết mùa Đông – Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh dịch COVID-19, trên thế giới cũng như các nước ở khu vực Đông Nam Á, dịch sốt xuất huyết, sởi vẫn đang lưu hành. Đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc và vắc xin phòng bệnh.
Tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm tốt được thế giới đánh giá cao. Ngoài ra, đối với các dịch bệnh khác như sốt xất huyết, chân tay miệng, sởi tuy đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hiện vẫn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao cục bộ ở một số địa phương. Ở Miền Trung, Tây Nguyễn ghi nhận nhiều ca mắc bệnh bạch hầu.
Dự báo, những tháng còn lại của năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó thời tiết mùa Đông – Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Còn xã "trắng" về tiêm chủng phòng bạch hầu
TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu.
So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 03 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020.
Nhận định về khó khăn trong phòng chống dịch bạch hầu, TS. Tấn cho biết, các xã có ổ dịch đa số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc xin. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm.
"Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, còn xã trắng về tiêm chủng. Một số địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa quản lý được hết các đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở quy mô cấp xã”.
Cần tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông, thông tin cho người dân để chủ động phòng dịch hiệu quả. Có biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng, xoá vùng lõm trong tiêm chủng.
"Dịch bạch hầu ở Tây Nguyên thời gian qua, đa số các ca bệnh đều xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng. Vì thế phải giải quyết được vùng lõm trong tiêm chủng, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả..."- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Cảnh báo sốt xuất huyết phức tạp trong mùa mưa
Tại Việt Nam, TS. Tấn cũng cho biết, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu các ca mắc ở miền Nam chiếm 57%, miền Trung 32%, Tây Nguyên 6%, miền Bắc là 4%.
3 tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, BìnhThuận, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM và Hà Nội.
Theo TS. Tấn, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết bằng cách diệt loăng quăng, diệt muỗi năm nào cũng được tuyên truyền "ra rả", tuy nhiên dịch vẫn gia tăng là do ý thức của cộng đồng chưa cao; Chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt xuất huyết; Các chiến dịch diệt bọ gậy ở một số địa phương chỉ mang tính hình thức và không được duy trì được lâu dài, bền vững.
“Số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống" - ông Tấn nhận định.
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các Sở Y tế đẩy mạnh hoạt động tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng chống dịch, lồng ghép trong phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, truyền thông đến người dân các thông điệp, khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình; tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...