Biến chứng đáy mắt của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) còn gọi là bệnh võng mạc ĐTĐ, gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc. Võng mạc (còn gọi là đáy mắt) là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu, nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý.
Bệnh võng mạc ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực hoặc mù lòa ở các nước phát triển. Tại Việt Nam hiện nay bệnh võng mạc ĐTĐ cũng là nguyên nhân gây giảm thị lực hay gặp ở các phòng khám chuyên khoa mắt.
Những thay đổi ở võng mạc của bệnh ĐTĐ
Các tổn thương thường có ở cả 2 mắt, có thể chia làm 2 nhóm chính:
1. Tổn thương giai đoạn sớm còn gọi là tổn thương nền hoặc giai đoạn không tăng sinh: tên gọi này do chưa có sự xuất hiện của các mạch máu mới được tạo ra. Ở giai đoạn này thành mạch máu bị yếu, tạo ra các túi phình (còn gọi là mạch lựu trên thành mạch máu), các chất trong máu thấm qua thành mạch gây ra các đốm xuất tiết, máu cũng có thể thấm qua thành mạch gây ra các đốm xuất huyết.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn nữa các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn, gây thiếu máu từng vùng ở võng mạc. Các mạch máu lớn hơn phình to và đường kính không đều (có chỗ phình to, có chỗ thu nhỏ). Các sợi thần kinh ở võng mạc cũng bị phù nề, vùng trung tâm của võng mạc (hoàng điểm) có khi cũng bị phù nề gây ra phù hoàng điểm.
2. Tổn thương giai đoạn nặng còn gọi là tổn thương tăng sinh: Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh.
Do võng mạc bị thiếu máu và ảnh hưởng của tăng glucose huyết, các mạch máu mới được tạo ra (tăng sinh mạch máu). Các mạch máu mới tạo thường phát triển không đúng vị trí, thành mạch cũng rất yếu. Chúng có thể phát triển và chảy máu vào thể kính (thể kính là dịch nằm trong lòng nhãn cầu), các mô sẹo do tăng sinh mạch máu gây ra có thể làm bong võng mạc.
Nếu các mạch máu mới tạo này phát triển vào đường dẫn lưu của dịch đi ra khỏi nhãn cầu, áp lực có thể tăng lên trong nhãn cầu gây ra tăng nhãn áp (còn gọi là cườm nước).
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể không cảm thấy gì bất thường. Khi bệnh tiến triển hơn có thể gặp: Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt; Nhìn mờ; Hình ảnh dao động; Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật; Mù; Mất cảm nhận màu sắc.
Nguyên nhân của bệnh võng mạc ĐTĐ
Nguyên nhân chính là tăng glucose huyết. Tăng glucose huyết làm tổn thương mạch máu, có thể gây tắc mạch.
Các yếu tố nguy cơ khác của tổn thương võng mạc: Thời gian bị bệnh ĐTĐ, bệnh càng lâu, càng có nguy cơ bị biến chứng ở đáy mắt; Glucose huyết không ổn định; Tăng huyết áp; Tăng cholesterol máu; Có thai; Hút thuốc lá.
Khi nào bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mù hoặc giảm thị lực?
– Phù hoàng điểm;
– Xuất huyết trong thể kính: nếu xuất huyết ít, bệnh nhân có thể thấy đốm đen trước mắt, nếu xuất huyết nhiều có thể gây mù cấp tính. Tuy nhiên, máu có thể sẽ tan sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân có thể nhìn lại được;
– Bong võng mạc, bong hoàn toàn sẽ gây mù vĩnh viễn;
– Tăng nhãn áp: có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh võng mạc ĐTĐ?
Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng.
Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc ĐTĐ không có triệu chứng do đó các bác sĩ sẽ tầm soát biến chứng này bằng cách: Chỉ định khám đáy mắt mỗi năm ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Đối với bệnh nhân ĐTĐ type 1, chỉ định khám đáy mắt 5 năm sau khi chẩn đoán.
Nếu glucose huyết ổn định tốt, huyết áp không cao, không có bất thường mỡ máu, bác sĩ có thể quyết định khám lại đáy mắt sau 2-3 năm.
Nếu bệnh nhân ĐTĐ có thai, cần khám đáy mắt thường xuyên vì thai kỳ dễ làm tổn thương mạch máu ở đáy mắt.
Tóm lại, bệnh võng mạc ĐTĐ có thể đưa đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Kiểm soát tốt glucose huyết và huyết áp là những phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa biến chứng này.
Anh Tài (Theo http://hoiyhoctphcm.org.vn/)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...