Đại dịch Covid-19 và những hệ lụy đến hoạt động phòng chống Lao
Thứ hai - 28/03/2022 22:11
Trong bối cảnh cả nước đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 thì bệnh Lao vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, âm thầm tàn phá sức khỏe, dễ lây lan ra cộng đồng nếu không được phát hiện, điều trị đúng và kịp thời.
Kể từ khi được công bố là “Đại dịch toàn cầu” bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tháng 1 năm 2020, virus SARS-COV-2 đã có tác động tiêu cực đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của WHO, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống Lao trong thời gian qua, bệnh Lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược 5-8 năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ Lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh Lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng chống Lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định. Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020 (giảm 18%) và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc Lao năm 2020. Có 16 quốc gia chiếm 93% trong số giảm phát hiện này, gồm có Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị Lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do Lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do Lao (tăng từ 1,2 triệu vào năm 2019) và trong đó có 214.000 ca ở những người dương tính với HIV (tăng từ 209.000 vào năm 2019). Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh Lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2020).
Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Các cơ sở y tế, các đơn vị chống Lao trên toàn quốc đương nhiên không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành y tế.
Theo báo cáo tại giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống Lao năm 2021 và kế hoạch năm 2022, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống Lao. Số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân Lao tái khám, lĩnh thuốc,… tất cả đều không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.
Tại thành phố Đà Nẵng, hoạt động phòng chống Lao cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực mà đại dịch COVID-19 mang lại. Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn đã phải tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, truy vết, tổ chức cách ly, giám sát, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, đồng thời phải đảm bảo công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho người dân. Do vừa phải chống dịch nên một số chỉ tiêu chuyên môn của chương trình phòng chống bệnh Lao không đạt kế hoạch đề ra.
Hậu quả là số bệnh nhân thu nhận giảm, nguy cơ lây bệnh do phát hiện muộn tăng, bệnh nhân Lao diễn biến nặng tăng do chậm trễ điều trị. Hoạt động xét nghiệm Lao giảm do số người đi khám giảm, chuyển bệnh nhân xét nghiệm Xpert để tầm soát Lao kháng thuốc có phần bị hạn chế do một số thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Hoạt động khám bệnh Lao thường quy, hoạt động khám phát hiện chủ động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân thu nhận mọi thể chỉ đạt 82.57% kế hoạch năm và tổng số ca bệnh Lao kháng thuốc thu nhận điều trị thấp (chỉ đạt 55,56% kế hoạch đề ra).
Trong bối cảnh bình thường mới, việc tập trung huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống Lao, trong đó tăng cường chủ động, phát hiện sớm bệnh Lao là bước đi điển hình, đột phá và có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Năm 2021 vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn triển khai hiệu quả các hoạt động khám, sàng lọc chủ động phát hiện sớm bệnh Lao bằng X-quang và Xpert cho gần 12 ngàn người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Các hoạt động bao gồm khám sàng lọc bệnh Lao cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng dân cư quận Liên Chiểu, quận Thanh Khê; nhóm người già, bệnh nhân tiểu đường, người nghèo, người hút thuốc lá tại huyện Hòa Vang; người sống trong trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm Methadone; cán bộ y tế Bệnh viện Da Liễu và đối tượng trẻ em từ 5 – 14 tuổi suy dinh dưỡng và tiếp xúc nguồn lây. Kết quả khám sàng lọc đã phát hiện ra được 101 trường hợp mắc Lao, trong đó có 55 trường hợp Lao phổi AFB(+), 01 trường hợp Lao kháng thuốc. Hoạt động khám phát hiện và điều trị Lao tiềm ẩn cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.
Điều này đã mang lại những kết quả hết sức khả quan trong bối cảnh đất nước đang bước sang giai đoạn bình thường mới. Chiến đấu với bệnh Lao song song với hoạt động phòng chống COVID-19 là biện pháp cần thiết và cấp bách để hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030! Bs. Trần Văn Tuấn và Bs. Hoàng Thị Diễm Hương Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...