Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khoẻ, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19
Thứ ba - 12/10/2021 03:12
Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23/10/2021 với chủ đề “Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khoẻ, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và hưởng ứng Ngày lương thực thế giới (16/10) do tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) phát động, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của các cấp, ngành và người dân về dinh dưỡng hợp lý,
Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển” diễn ra trong tình hình hết sức đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn ra rất nặng nề, ảnh hưởng đến thu nhập, sức khỏe và tính mạng người dân. Do đó, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực là rất cần thiết để tăng sức đề kháng với mỗi người.
Để nâng cao sức khỏe trong mùa dịch Covid-19, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị người dân cần thực hiện các biện pháp bảo đảm số lượng, cân đối, hợp lý về chất lượng của khẩu phần ăn hằng ngày; chú ý ăn đủ lượng thịt, cá, trứng, rau xanh, quả chín... để cung cấp chất đạm, vitamin và chất khoáng, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Với người bệnh mắc Covid-19 cần được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, chú ý cách chế biến để ăn ngon miệng, không bỏ bữa. Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con bú. Không ăn mặn; hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường...
Một số thông điệp Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" năm 2021
- Đảm bảo số lượng, cân đối, hợp lý về chất lượng của khẩu phần ăn hàng ngày; chú ý ăn đủ lượng thịt, cá, trứng; rau xanh, quả chín... để cung cấp chất đạm, vitamin và chất khoáng, giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng
- Người bệnh mắc COVID-19 cần được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, chú ý cách chế biến để ăn ngon miệng, không bỏ bữa; Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con bú;
- Không ăn mặn; Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường;
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi mua và sử dụng;
- Duy trì hoạt động thể lực thường xuyên, phù hợp với lứa tuổi; uống đủ nước; thực hiện các biện pháp phòng COVID-19 theo hướng dẫn của cán bộ y tế;
- Sản xuất và sử dụng thực phẩm hợp lý, lành mạnh, an toàn, hạn chế thất thoát, lãng phí, góp phần tích cực tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ Y tế cũng lưu ý, người bệnh không bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và thêm các bữa phụ. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa. Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh. Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức khoẻ, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19./. Phước An