Khoảng 33 người, gồm sinh viên và một số nhân viên tại hai trường trên, được yêu cầu ở tại nhà vì chưa có chứng nhận tiêm chủng. Các cá nhân trên sẽ được phép quay trở lại trường học nếu tới ngày 7/3/2019 tại hai trường này không có thêm ca mắc sởi mới.
Ngày 20/2, phóng viên TTXVN tại Canada cho biết tỉnh British Columbia đang có dịch sởi, với 9 ca mắc từ đầu năm tới nay. Những ca mắc sởi mới là những trường hợp đã đi du lịch ra ngoài Canada.
Cơ quan Y tế công Canada đang làm việc với các nhà khoa học để tìm hiểu nhân tố nào dẫn đến quan điểm không tiêm vaccine và sức ép đối với những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội khi phải đối mặt với những nghi ngại về độ an toàn của vaccine. Cơ quan này sẽ xây dựng một chiến dịch truyền thông xã hội mới để thông tin cho mọi người về tầm quan trọng của tiêm chủng và những báo cáo chứng minh độ an toàn của vaccine.
Theo giới chức y tế sở tại, thông tin sai lệch và tâm lý ngờ vực đối với vaccine có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi lây lan nhanh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc từ chối tiêm chủng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trên quy mô toàn cầu trong năm 2019. Theo cơ quan này, trước khi vaccine sởi được sử dụng năm 1963, virus này đã cướp đi sinh mạng của 2,6 triệu người mỗi năm. Canada đã thanh toán được bệnh sởi từ năm 1998.
Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát - sẩn, xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Nguồn tin: Hương Giang (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn