1.000 ngày vàng cho trẻ

Thứ năm - 17/08/2023 23:05
Tạo hoá khéo tạo nên một hình hài hoàn hảo để duy trì nòi giống nhưng để một con người phát triển tốt nhất cả về thể chất và tinh thần thì phụ thuộc phần lớn vào hiểu biết và sự đầu tư đầy đủ của các bậc làm cha mẹ từ khi con còn trong trứng nước mà đặc biệt phải kể đến “cửa sổ cơ hội” - 1000 ngày đầu đời của con người.
Theo chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ nhỏ của Tổ chức Y tế thế giới, tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của bà mẹ và trẻ sơ sinh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Dinh dưỡng không hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấp còi, béo phì và các bệnh không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, 1.000 ngày đầu tiên được gọi là giai đoạn “cửa sổ cơ hội” để phòng suy dinh dưỡng thấp còi, các hậu quả chậm phát triển về thể chất và dinh dưỡng do nuôi dưỡng không hợp lý. Giai đoạn “cửa sổ cơ hội” này được chia thành 3 thời điểm quan trọng để tiến hành các can thiệp và gửi những thông điệp truyền thông phù hợp:
(1) Ngay từ khi bà mẹ mang thai (280 ngày): Bà mẹ được chăm sóc, quản lý thai nghén và dinh dưỡng hợp lý, được cung cấp những kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ vào thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ để tạo một khởi đầu tốt cho việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) sau này. Đây chính là hành trình đầu tiên trên chặng đường 1.000 ngày vàng nuôi con phát triển toàn diện. Những gì mẹ ăn trong thời gian này sẽ hình thành và củng cố bức tường vững chãi, đủ kiên cố để giúp bé yêu phát triển khoẻ mạnh, thông minh. Nguyên tắc chung: Mẹ phải thực hiện dinh dưỡng đủ lượng theo từng giai đoạn thai kỳ, ăn uống đa dạng thực phẩm; chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm; bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng mà thực phẩm ăn uống vào không thể đáp ứng đủ. Một số vi chất chính cần bổ sung lúc này là:
+ Sắt và a-xit folic: Cần thiết bổ sung thường xuyên từ khi mang thai với định lượng 30-60mg sắt nguyên tố và 0,04mg c-xit folic/ngày. Với những mẹ đã từng có thai mắc dị tật ống thần kinh, cần uống dự phòng a-xit folic liều cao trước mang thai ít nhất 01 tháng. Mẹ bầu nên cố gắng ăn khẩu phần thực phẩm giàu sắt mỗi ngày như thịt đỏ, thịt gà, trứng, đậu và các loại hạt khô, các loại rau có màu xanh đậm.
+ Omega 3: Thêm dầu cá vào thực đơn dinh dưỡng của bạn 1-2 lần/tuần. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tìm nguồn Axit béo bổ dưỡng này từ cá hồi, cá thu, các ngừ, cá trích hoặc các thực phẩm chức năng.
+ Vitamin D: Mẹ bầu nên bổ sung thêm 0,005mg vitamin D hằng ngày và cố gắng nạp nhiều các thực phẩm chứa vitamin D, canxi như dầu cá, trứng hoặc các chế phẩm từ sữa.
+ Canxi: Mỗi ngày bà mẹ cần 3 phần sữa trong khẩu phần ăn bao gồm sữa, sữa chua, phô mai. Đa số các trường hợp mang thai phải bổ sung viên canxi vì chế độ ăn không cung cấp đủ.
Cũng cần thiết bổ sung kẽm, selen…và các yếu tố vi lượng cần thiết khác. Thông thường, mẹ bầu có thể sử dụng 01 viên thuốc bổ sung đa vi chất dành cho người mang thai là đủ, tùy trường hợp đặc biệt, mẹ bầu sẽ được bác sĩ hướng dẫn bổ sung các vi chất cụ thể.
Ngoài ra, mẹ bầu nên hạn chế một số thực phẩm như đồ ngọt hoặc đồ uống có gas, thức ăn nhiều đường, cà phê, thuốc lá. Mẹ cũng không nên ăn quá mặn (Lượng muối đưa vào cơ thể không vượt mức 05g/ngày). Nên tăng cường ăn thêm trái cây, rau củ quả trong khẩu phần ăn hằng ngày để bổ sung vitamin cần thiết đồng thời cung cấp chất xơ, tránh được táo bón là tình trạng hay gặp ở mẹ bầu.

 
1000 ngay cho tre 2

(2) Khi trẻ 0-6 tháng tuổi (180 ngày): Cho trẻ bú sữa non, bú sớm trong vòng 90 phút sau sinh khi được da kề da với mẹ tại phòng sinh/phòng mổ và phải bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu đời. Bú sữa mẹ hoàn toàn được hiểu là chỉ cho trẻ bú mẹ, không cho thêm thức ăn hoặc thúc uống gì khác, kể cả nước trắng/nước lọc; ngoại trừ việc dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Cho con bú là giai đoạn quan trọng bậc nhất trong việc củng cố dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu tiên. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và các chuyên gia đầu ngành mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài ít nhất đến 24 tháng. Khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ đã tạo cho bé cơ hội sống khoẻ mạnh, giảm nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh (viêm phổi, tiêu chảy cấp…), giảm nguy cơ mắc chứng cao huyết áp, tăng cholesterol, mắc bệnh tiểu đường và béo phì khi bé lớn lên. Trẻ bú sữa mẹ không những sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn (nghiên cứu của thế giới đã cho thấy bé tăng trung bình 03 điểm IQ khi được nuôi bằng sữa mẹ đúng cách) mà còn tăng kết nối tình cảm mẹ - con, nền tảng để phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ sau này.
Bà mẹ cho con bú vẫn phải tuân thủ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phong phú và an toàn thực phẩm như lúc mang thai với khẩu phần ăn phù hợp giai đoạn cho con bú để đảm bảo đáp ứng phục hồi năng lượng cho mẹ đồng thời duy trì tốt nguồn sữa cho con. Cần tiếp tục bổ sung vi chất dinh dưỡng cho mẹ, đặc biệt chú ý  cho vitamin A liều cao sau sinh 01 tháng để phòng bệnh khô mắt và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể trẻ. Các thực phẩm khác cần bổ sung cho bà mẹ cho con bú lúc này là Omega 3, Vitamin D cho mẹ (và cho cả bé nữa nhé, nên bổ sung 1 giọt Vitamin D mỗi ngày cho đến khi bé được 1 tuổi). Và đừng quên uống đủ nước (2-2,5 lít mỗi ngày).
(3) Khi trẻ 6-24 tháng tuổi (540 ngày): Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý theo từng độ tuổi đồng thời duy trì cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Đây là giai đoạn lý tưởng nhất để bé có cơ hội thử thực phẩm khác ngoài sữa mẹ nên một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển thói quen ăn uống lành mạnh. Nên chọn thực đơn đa dạng, cho bé ăn từ đồ mềm đến cứng dần và bổ sung thực phẩm giàu sắt. Trong khoảng thời gian này nên tập cho bé gặm hoặc nhai, chẳng hạn thay vì chúng ta cho bé một chiếc bánh quy thì mẹ hãy cho bé món lành mạnh như trái cây chẳng hạn. Những bé ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ ăn uống “ngon lành cành đào” hơn rất nhiều và mẹ sẽ không phải đau đầu với việc bé biếng ăn và hay kén chọn. Nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách, trẻ sẽ có sức đề kháng tốt hơn, phát huy tiềm năng tối đa về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ trong tương lai.
Lúc này, sự tăng cường cho hệ miễn dịch của trẻ từ sữa mẹ đã giảm và mất đi trong khi hệ miễn dịch của trẻ lại chưa hoàn thiện nên trẻ sẽ dễ ốm, nhất là các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá. Bởi vậy, cần bổ sung thêm các chất để tăng cường sức đề kháng như men vi sinh, sữa non,…
Não bộ của bé rất linh hoạt trong 2 năm đầu, đó là nền tảng cho sự phát triển về khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và các kỹ năng xã hội. Khoảng một nửa năng lượng mà trẻ dung nạp mỗi ngày từ thức ăn sẽ đến nuôi não bộ, nhiều hơn gấp đôi năng lượng não của người trưởng thành cần. Vì vậy mẹ cho bé ăn đúng ngay lúc này, bé sẽ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình trong tương lai.
Trong giai đoạn này cần chú ý bổ sung đủ sắt, Canxi, Vitamin D, Omega 3 (DHA và EPA). Bên cạnh đó, cần ăn đủ trái cây, rau củ cùng với bữa ăn gia đình và thực đơn hằng ngày cần đủ thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc,… (Nên tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương).
Biết đầu tư đúng thời điểm và đúng cách mới có thể phát huy tối đa hiệu quả đầu tư! Các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang mang thai, đang nuôi con nhỏ cần nắm bắt cơ hội đầu tư cho con mình, đây mới chính là đầu tư cho tương lai. Trong phạm vi của 1000 ngày vàng đầu đời, sẽ không bao giờ là quá muộn để các mẹ bắt đầu xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ và bé từ hôm nay!
(Nguồn tham khảo: Bộ Y tế - Viên Dinh Dưỡng 2021. Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng và tham khảo tài liệu chuyên ngành trong nước).
Bs. Trần Thị Phi – Cn. Trương Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây