6 2 banner2 1

Truyền thông, vận động xã hội hóa cung cấp phương tiện, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Đà Nẵng

Thứ ba - 23/07/2024 21:25
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân ngày một tăng cao. Vì thế việc xã hội hóa để đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện, dịch vụ này một cách thuận tiện, giá cả phù hợp đối với các nhóm người dân khác nhau là một tất yếu.

Điều này không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của từng người. Để làm tốt điều này thì công tác truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động

Trước năm 2015, người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh/thành khác nói chung được bao cấp sử dụng các phương tiện tránh thai miễn phí. Đến năm 2016, thực hiện Đề án 818 của Bộ Y tế về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng (Chi cục) đã cùng với đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn để phân phối các sản phẩm, phương tiện tránh thai đến người dân theo hình thức xã hội hoá.

Chi cục đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, lợi ích của việc tham gia sàng lọc ung thư tại cộng đồng. Cùng với đó là tổ chức các buổi hướng dẫn tập trung và các lớp tập huấn lồng ghép giới thiệu các sản phẩm trong khuôn khổ của Đề án.
Nổi bật là việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân các khu công nghiệp; đồng thời giới thiệu và cung ứng phương tiện tránh thai cho công nhân Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp.  
Bên cạnh đó, đơn vị còn tham gia các gian hàng hội chợ công nhân do Liên đoàn Lao động thành phố, Liên đoàn lao động các quận, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp tổ chức với 2 hoạt động chính là tư vấn miễn phí về sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình và cung ứng các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản. Như vậy người dân có thể tiếp cận được với các sản phẩm chất lượng được Nhà nước hỗ trợ giá, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Dân số KHHGD

Trong năm 2023, Chi cục cũng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đồng thời triển khai các sản phẩm trong khuôn khổ Đề án cho 900 đoàn viên công đoàn thuộc Liên đoàn lao động thành phố Đà Nẵng.
Cùng với Chi cục Dân số, đội ngũ cán bộ làm dân số tại các quận/huyện và cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và phân phối các sản phẩm đến tay người dân, góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Liên Chiểu là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Công tác dân số và phát triển luôn được đưa vào chương trình hoạt động hàng năm của quận, đưa hoạt động tiếp thị xã hội vào một trong những nội dung chấm điểm thi đua về dân số và phát triển tại địa phương. Các phường cũng được giao chỉ tiêu tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản, huy động các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân tham gia.
 “Chúng tôi tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng nhóm đối tượng như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng khu dân cư; tổ chức các buổi tập huấn cho những người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ cộng tác viên dân số y tế trẻ em. Thông qua đội ngũ này là cánh tay nối dài giúp nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hóa các sản phẩm kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và cung cấp tới tay người dân các sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý” bà Dương Thị Vân – Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết.
Những khó khăn, thách thức

Mặc dù công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố, người dân từng bước nhận thức và cùng tham gia, tuy nhiên, theo BS. Lê Thị Minh Hiền – PGĐ Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ DS-KHHGĐ, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn nguồn phương tiện tránh thai xã hội hoá hay bị gián đoạn, thay đổi, làm ảnh hưởng nhiều đến việc phân phối, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các sản phẩm của Đề án 818 không phải lúc nào cũng thuận lợi, đối với một số sản phẩm bảo vệ sức khoẻ còn mới, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng thường e ngại do đó đội ngũ tuyên truyền dân số gặp khó khăn khi tiếp thị các sản phẩm này đến người dân.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và bản thân những người làm công tác dân số vẫn còn nhiều người hiểu chưa đúng về mục đích của Đề án, do đó việc triển khai cung ứng hàng hóa sức khỏe sinh sản còn hạn chế và chưa thật sự hiệu quả.

Do đó thời gian tới, công tác truyền thông, vận động và cung ứng hàng hóa, phương tiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa nhằm thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn thành phố./.

                                                                                                       Anh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây