Truyền thông nâng cao nhận thức về vi rút HPV và Ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
Thứ sáu - 19/01/2024 02:56
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Hầu như tất cả các trường hợp mắc bệnh đều có liên quan đến nhiễm vi rút HPV - một loại vi rút cực kỳ phổ biến lây truyền qua quan hệ tình dục. Mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi và không gây ra triệu chứng, nhưng nhiễm trùng dai dẳng có thể gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Hiện nay đã có vắc xin để phòng ngừa bệnh này và có thể điều trị khỏi, bảo tồn cơ quan sinh sản nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn sớm. Với mong muốn tăng cường nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh Ung thư cổ tử cung, từ đó hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ mắc mới và tử vong; Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ tổ chức buổi truyền thông "Nâng cao nhận thức về vi rút HPV và Ung thư cổ tử cung" vào chiều ngày 24/01/2024, tại Hội trường lớn Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Tại sự kiện, người dân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, cập nhật kiến thức từ các bác sĩ khoa Phụ khoa Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và đặc biệt là sự có mặt của bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc - đại sứ quốc gia của Hiệp hội u nhú quốc tế (IPVS) tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICs).
Trên thế giới, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ. Năm 2020, thế giới có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong; trong đó khoảng 90% xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ở các quốc gia này, khả năng tiếp cận các biện pháp phòng ngừa còn hạn chế và ung thư cổ tử cung thường được phát hiện muộn khi bệnh đã tiến triển nặng và di căn. Ngoài ra, khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị bị hạn chế, dẫn đến tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung cũng cao hơn ở những quốc gia này. Năm nay, Tháng Nhận thức về Ung thư Cổ tử cung (tháng 01/2024), Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra thông điệp “Chúng ta có thể kết thúc ung thư cổ tử cung”.Theo WHO, ung thư cổ tử cung là một trong những dạng ung thư có thể điều trị thành công nhất, miễn là nó được phát hiện sớm và quản lý hiệu quả.Ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn cũng có thể được kiểm soát bằng phương pháp điều trị và chăm sóc giảm nhẹ thích hợp.Với cách tiếp cận toàn diện để ngăn ngừa, sàng lọc và điều trị, chúng ta có thể chấm dứt ung thư cổ tử cung.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...