Không tiêm vắc xin trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019
Thứ tư - 13/02/2019 03:59
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo 10 mối đe dọa cho sức khỏe con người trong năm 2019. Trong đó, có mối đe dọa từ việc không tiêm vắc xin, ô nhiễm môi trường và bùng phát các dịch bệnh.
WHO khẳng định tiêm vắc xin là một trong những cách hiệu quả nhất để tránh mắc nhiều bệnh
ẢNH: NGUYÊN MI
Theo WHO, sự do dự, miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc xin (đặc biệt, hiện nay có nhiều quan điểm anti vắc xin tại một số nơi), mặc dù có sẵn vắc xin, đe dọa đảo ngược mọi nỗ lực của con người đạt được trong công cuộc phòng ngừa, chống lại bệnh truyền nhiễm.
Hiện nay, nhiều bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc xin. WHO khẳng định tiêm vắc xin là một trong những cách hiệu quả nhất để tránh mắc nhiều bệnh. Vắc xin hiện đang giúp ngăn ngừa 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm và có thể tránh thêm 1,5 triệu ca nếu phạm vi tiêm chủng toàn cầu được cải thiện.
WHO đưa ra dẫn chứng bệnh sởi đã gia tăng 30% các trường hợp mắc trên toàn cầu. Lý do cho sự gia tăng này là phức tạp, bao gồm cả hậu quả của việc từ chối tiêm vắc xin diễn ra gần đây tại một số nơi.
Một mối nguy lớn khác cho sức khỏe con người trên thế giới là ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo WHO, 9/10 người hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày.
Năm 2019, ô nhiễm không khí được WHO coi là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm trong không khí có thể xâm nhập hệ thống hô hấp và tuần hoàn, gây hại cho phổi, tim và não.
Ước tính của WHO, các chất ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu người chết sớm mỗi năm do các bệnh như ung thư, đột quỵ, bệnh tim và phổi.
Khoảng 90% số ca tử vong này là ở các nước thu nhập thấp và trung bình, với lượng khí thải lớn từ công nghiệp, giao thông và nông nghiệp, cũng như bếp lò và nhiên liệu bẩn trong nhà.
Ngoài ra, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, ung thư và bệnh tim mạch là nguyên nhân chính cho hơn 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 41 triệu người.
Trong đó, bao gồm 15 triệu người chết sớm ở độ tuổi từ 30 - 69. Hơn 85% số ca tử vong sớm này là ở các nước thu nhập thấp và trung bình, theo WHO.
“Sự gia tăng của các bệnh này đã được thúc đẩy bởi 5 yếu tố nguy cơ chính: sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể chất, uống nhiều rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí. Các yếu tố nguy cơ này cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ”, WHO cảnh báo.