Việc đưa thêm Buprenorphine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện là một sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, để bệnh nhân có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của từng cá nhân. Do vậy, người nghiện các chất dạng thuốc phiện hãy vượt qua chính mình để tiếp cận ngay điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone hoặc Burpenorphine, vì lợi ích sức khỏe, kinh tế của bản thân, gia đình và lợi ích của cộng đồng.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Ảnh: Thùy Chi
* Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine
Ngành Y tế vừa khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Buprenorphine. Để hiểu rõ hơn về loại thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mới này, trang tin Tiếng Chuông (trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Xin ông cho biết, tại sao Việt Nam lại lựa chon Buprenorphine đưa vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Buprenorphine là chất dạng thuốc phiện bán tổng hợp, có tác dụng tương tự như thuốc phiện, mocphin hay heroin… Thuốc Buprenorphine đã được sử dụng trong y học để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp, điều trị đau cấp và mạn tính.
Buprenorphine giúp người nghiện giảm hoặc ngừng lệ thuộc vào heroin và các chất dạng thuốc phiện khác như thuốc phiện, morphine…, giúp giảm hội chứng cai (đau cơ, đau khớp, vã mồ hôi, lo lắng, bồn chồn, chảy nước mũi, nước mắt, ngáp…).
Buprenorphine là dạng thuốc viên nên việc vận chuyển, bảo quản cũng dễ dàng hơn, ngậm dưới lưỡi và có tác dụng kéo dài hơn Methadone nên bệnh nhân khi đã ổn định liều có thể 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế để ngậm một lần, nên sẽ giảm đáng kể thời gian đi lại của bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ở vùng núi hay vùng sâu, vùng xa.
Việc đưa Buprenorphine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện cũng là tăng thêm sự lựa chọn cho người nghiện chất dạng thuốc phiện trong điều trị.
Cùng là loại thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, xin ông cho biết sự khác biệt giữa Buprenorphine và Methadone?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Lợi ích của Buprenorphine là giúp người nghiện giảm hoặc ngừng lệ thuộc vào heroin và các chất dạng thuốc phiện khác, giảm hội chứng cai. Do vậy, họ sẽ giảm hoặc không sử dụng heroin hay các chất dạng thuốc phiện khác nữa.
Loại thuốc mới này cũng phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C. Điều trị Buprenorphine cũng làm giảm tử vong do dùng quá liều heroin, giảm các hành vi phạm pháp, giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động và hòa nhập cộng đồng.
Khi so sánh về 2 thuốc Buprenorphine và Methadone qua các nghiên cứu cho thấy: Hiệu quả trong điều trị nghiện của Buprenorphine và Methadone tương tự nhau. Tuy nhiên, do tác dụng của Buprenorphine kéo dài nên bệnh nhân chỉ phải đến cơ sở y tế 2-3 ngày một lần ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều, trong khi bệnh nhân uống thuốc thay thế Methadone cần đến cơ sở y tế hàng ngày.
Thuốc Buprenorphine cũng an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với Methadone. Với người nghiện nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV, do Buprenorphine không tương tác thuốc với ARV nên không phải tăng liều Methadone và ARV trong khi nếu dùng Methadone cần tăng liều cả 2 loại thuốc này.
Tuy nhiên, Buprenorphine cũng có một số nhược điểm khi so sánh với Methadone, đó là: Phương thức sử dụng thuốc Buprenorphine phức tạp hơn Methadone. Thuốc Buprenorphine sử dụng đường ngậm dưới lưỡi, tan chậm nên thời gian người bệnh phải ngồi đợi thuốc tan hết khoảng 10-15 phút, thuốc có vị hơi đắng trong khi Methadone uống xong về được ngay.
Buprenorphine chỉ hấp thu tốt khi ngậm dưới lưỡi. Nếu uống, thuốc sẽ hấp thu kém qua đường ruột nên không có tác dụng. Giá thành thuốc Buprenorphine cũng đắt hơn khi so sánh cùng liều dùng với Methadone.
Xin ông cho biết, điều kiện để một bệnh nhân có thể tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Buprenorphine?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Những người nghiện các chất dạng thuốc phiện đáp ứng tiêu chuẩn về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện hiện hành của Bộ Y tế đều có thể tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Buprenorphine.
Những người bệnh đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone có nhu cầu và tự nguyện chuyển sang điều trị nghiện các nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine cũng sẽ được các cơ sở điều trị xem xét tư vấn và tạo điều kiện cho chuyển sang điều trị Buprenorphine
Về thủ tục hay hồ sơ đăng ký tham gia điều trị và việc tiếp nhận người bệnh tham gia điều trị áp dụng cơ bản như điều trị cho bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. Do vậy, bệnh nhân có nhu cầu có thể đến các cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone để được tư vấn điều trị.
Hiện nay thuốc Buprenorphine đang được cấp miễn phí từ nguồn dự án hỗ trợ và khi hết dự án nhà nước sẽ mua từ ngân sách để cấp miễn phí cho bệnh nhân. Một số cơ sở điều trị sẽ thu phí dịch vụ để phục vụ cho việc duy trì điều trị của bệnh nhân giống như điều trị Methadone.
Để có thêm thông tin về loại thuốc điều trị mới này, bệnh nhân cũng có thể trao đổi với thầy thuốc tại cơ sở điều trị Methadone trước điều trị để biết thêm thông tin chi tiết.
Bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Buprenorphine cần đặc biệt lưu ý gì, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Buprenorphine không phải là thuốc cai nghiện mà là để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, để bệnh nhân không thèm nhớ sử dụng thuốc phiện hay heroin. Loại thuốc này cần điều trị lâu dài chứ không phải điều trị vài tuần hay vài tháng.
Khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân hàng ngày vẫn phải đến cơ sở y tế theo hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi đạt liều ổn định. Bệnh nhân phải ngậm thuốc ít nhất 15 phút tại cơ sở y tế để đảm bảo thuốc đã tan hết trong miệng và có tác dụng.
Giống như những loại thuốc khác, khi sử dụng Bupenorphine một số người cũng có thể có một số tác dụng phụ có thể xảy ra như: Đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi… Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và giảm dần sau một thời gian sử dụng. Do vậy, bệnh nhân cần hỏi thầy thuốc để được tư vấn trước khi tham gia điều trị và khi có tác dụng phụ cũng cần trao đổi với bác sĩ điều trị.
Vì nghiện là bệnh mãn tính của não bộ nên giống như điều trị bằng Methadone, bệnh nhân điều trị bằng thuốc Buprenorphine là điều trị lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh nhân có thể chấm dứt điều trị trong các trường hợp sau: Không tuân thủ quy trình điều trị hoặc không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc; có hành vi phạm pháp; xét nghiệm dương tính với các chất ma túy khác ngoài chất dạng thuốc phiện; tự nguyện xin thôi điều trị.
Nghiện là bệnh mãn tính của não bộ nên cần điều trị và điều trị lâu dài. Không chỉ bản thân người nghiện cần nỗ lực, tuân thủ điều trị nghiện, các gia đình có người thân nghiện cần yêu thương, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện tiếp cận các dịch vụ điều trị Methadone hay Buprenorphine và dự phòng lây nhiễm HIV.
Xin ông cho biết, kế hoạch của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về loại thuốc điều trị mới này trong thời gian tới?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Mặc dù thuốc đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên lại là mới ở Việt Nam, do vậy Cục Phòng, chống HIV/AIDS dự kiến: Giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại một số tỉnh, ưu tiên các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Sơn La, Điện Biên; Nghệ An Yên Bái; Hòa Bình; Lai Châu; Thanh Hóa. Những tỉnh này trước tiên là triển khai tại các cơ sở điều trị Methadone. Sau đó có thể cấp phát thuốc về cho nhân viên y tế thôn bản để họ cấp cho bệnh nhân nhằm giảm quãng đường và thời gian đi lại của bệnh nhân.
Sau giai đoạn thí điểm, tùy kết quả; Cục Phòng, chống HIV/AIDS có thể sẽ tham mưu cho Bộ Y tế triển khai rộng rãi ra toàn quốc như Methadone hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Chi (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn