CÁCH NHẬN BIẾT CÁC BIẾN CHỨNG Ở MẮT CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Chủ nhật - 18/10/2020 04:52
Biến chứng về mắt của bệnh tiểu đường gây một loạt các tổn thương về thị lực, bao gồm: Bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người tiểu đường.
Biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường có thể diễn ra ngay từ giai đoạn tiền tiểu đường, khi mức đường huyết chưa cao đến ngưỡng chẩn đoán tiểu đường. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần lưu ý những bất thường về mắt để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn chặn nguy cơ mù lòa.
Vì sao bệnh tiểu đường gây biến chứng trên mắt?
Biến chứng mắt là một trong những biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường. Đây là hậu quả của những tổn thương do đường huyết tăng cao kéo dài. Khi đường huyết tăng cao, các mạch máu nhỏ tại mắt dễ bị tắc nghẽn hoặc vỡ trong lòng mắt, kết hợp với sự thay đổi về lượng thủy dịch hình thành nên các vấn đề về mắt của bệnh tiểu đường.
Biến chứng tiểu đường về mắt không gây ra mù lòa ngay mà sẽ làm suy giảm thị lực một cách từ từ. Biến chứng này thường bị nhầm lẫn với tình trạng mờ mắt do tuổi tác, đặc biệt là ở những người tiểu đường cao tuổi.
Dấu hiệu nhận biết biến chứng về mắt của bệnh tiểu đường
Các biến chứng mắt của bệnh tiểu đường khá đa dạng với những dấu hiệu nhận biết khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bệnh võng mạc tiểu đường. Ước tính có tới 30 - 40% người bệnh tiểu đường gặp vấn đề về võng mạc. Mặt khác tiểu đường cũng có thể gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, phù hoàng điểm.
Bệnh  võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường hay bệnh võng mạc đái tháo đường là tình trạng bệnh lý với các tổn thương xảy ra ở võng mạc do tiểu đường gây nên. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa và tỷ lệ bị bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây tại nước ta.
 
1810201

Ở giai đoạn sớm, hệ thống vi mạch bị tổn thương có thể phình to hoặc rò rỉ máu vào võng mạc. Giai đoạn này được gọi là bệnh lý võng mạc không tăng sinh.
Khi bệnh phát triển đến giai đoạn muộn, vi mạch bị tổn thương chết dần. Các vi mạch thay thế buộc phải sinh ra trên bề mặt võng mạc. Các vi mạch bất thường mới sinh này thường dễ tổn thương, xuất hiện sai vị trí nên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn.
Dấu hiệu nhận biết: Những triệu chứng ban đầu của bệnh võng mạc tiểu đường thường không quá rõ ràng. Người bệnh có thể bị nhìn mờ, tầm nhìn xuất hiện nhiều chấm đen di động, trôi nổi như ruồi muỗi bay. Một số người thì có các dấu hiệu không điển hình như chảy nước mắt, nhức mỏi mắt...

Phù hoàng điểm do tiểu đường

Phù hoàng điểm là một trường hợp đặc biệt của bệnh võng mạc đái tháo đường. Nguyên nhân là do các mạch máu tại võng mạc ở người tiểu đường bị tổn thương làm rò rỉ dịch ra ngoài, từ đó gây nên phù hoàng điểm. Đây là bệnh lý thường gặp làm suy giảm thị lực trung tâm của người tiểu đường.
Dấu hiệu nhận biết: Người bệnh có thể gặp tình trạng tầm nhìn trung tâm bị mờ như gợn sóng, không nhìn thấy màu sắc hoặc màu sắc của vật thể bị thay đổi. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, không phải người bệnh nào bị phù hoàng điểm cũng xuất hiện các triệu chứng này.

Tăng nhãn áp ở người tiểu đường

Người tiểu đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp cao gấp đôi người bình thường. Nguyên nhân là do đường huyết cao gây áp lực lớn cho dây thần kinh thị giác.
Dấu hiệu nhận biết: tầm nhìn bị hạn chế, xuất hiện các khoảng tối, nhìn mờ như có một màng che phủ trước mắt. Người bệnh có thể thấy buồn nôn và nôn.

Đục thủy tinh thể

Thể thủy tinh trong mắt là bộ phận giúp nhìn rõ mọi vật. Thủy tinh thể có xu hướng mờ đục dần khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường, ngay cả còn trẻ, thể thủy tinh cũng có thể mờ đục. Hiện tượng này gọi là bệnh lý đục thủy tinh thể tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Nồng độ đường cao trong máu sẽ làm thể thủy tinh lắng cặn, đây chính là nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể ở người bệnh tiểu đường.
Dấu hiệu nhận biết: Mắt nhìn mờ hơn, nhìn đôi, nhìn ba. Hay mỏi mắt khi tập chung nhìn vào một vật nào đó. Tăng nhạy cảm với ánh sáng, hay lóa mắt. Nhìn ở ngoài sáng khó hơn khi nhìn ở nơi có bóng râm.
Để phát hiện sớm các biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường, Bộ Y Tế khuyến cáo người tiểu đường nên đi khám mắt ít nhất mỗi năm 01 lần, kể cả khi không có các triệu chứng trên. Còn khi thấy xuất hiện những bất thường ở mắt, bạn nên đi khám ngay lập tức và tái khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
 
                                                   Phước An
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây