Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở nhóm tuổi trưởng thành

Thứ hai - 07/01/2019 05:43
Theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hoá, thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có ...

Theo số liệu điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 65% và tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường và cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp.
 
GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thì dấu hiệu bệnh cũng không điển hình, có trẻ tự dưng thấy mệt mỏi, sau giờ học thấy sốt… nên các bậc phụ huynh dễ bỏ qua các triệu chứng cho đến khi trẻ bị nặng mới phát hiện ra. Nguy hiểm hơn, bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như mù lòa, bị cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch.
 
Còn theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40.
 
Theo ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm chủ yếu do 4 yếu tố nguy cơ chính là: sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể lực, sử dụng rượu bia ở mức độ có hại và chế độ ăn uống không lành mạnh. Đặc biệt, có tới một nửa số nam giới trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên hút thuốc, 77% nam giới trưởng thành uống rượu bia, trong đó 44% số người uống rượu bia ở mức nguy hại và 1/3 số người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.
 
Để ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, COPD, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025. Với những mục tiêu cụ thể như: khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng. Hạn chế tình trạng tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, COPD và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phấn đấu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành; giảm tỷ lệ có uống rượu, bia ở nhóm vị thành niên xuống còn 20%; giảm 30% mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày ở người trưởng thành…
 
TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, ngành y tế xây dựng, ban hành các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, COPD và hen phế quản phù hợp chức năng nhiệm vụ và phân tuyến kỹ thuật của các cơ sở y tế. Đồng thời đã phối hợp với các bộ, ngành, UBND các cấp và cả cộng đồng triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án như quản lý, giám sát hàm lượng muối, đường, chất béo, phụ gia trong các thực phẩm chế biến sẵn và can thiệp sử dụng muối tại cộng đồng để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe phòng các bệnh không lây nhiễm…
 
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết các bệnh không lây nhiễm theo hướng kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám và phát hiện sớm, đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, phòng chống bệnh không lây nhiễm.

 

Duy Tuân (Nguồn: Sở Y tế Hà Nội)

 

Nguồn tin: hanoicdc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây