Bệnh nhân COPD và chế độ điều trị không dùng thuốc

Thứ năm - 27/10/2022 00:22
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD đặc trưng bởi tắc nghẽn luồng khí không phục hồi hoàn toàn. Để điều trị bệnh, người bệnh phải dùng thuốc giãn phế quản đường hít lâu dài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc để kiểm soát bệnh.
Ba việc thực sự cần thiết trong chế độ điều trị không dùng thuốc mà người bệnh cần phải nhớ đó là: cai thuốc lá ngay lập tức nếu đang hút thuốc lá, tiêm phòng và tập vận động phục hồi chức năng hô hấp.
1. Cai thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đồng thời là yếu tố khiến cho người bệnh vào cơn cấp. Cai thuốc lá là biện pháp duy nhất được chứng minh giúp làm giảm tốc độ tiến triển nặng lên thêm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
1

Cai thuốc lá không dễ dàng nhưng không phải là không thể thực hiện được. Trong trường hợp việc tự cai thuốc lá khó khăn, người bệnh nên yêu cầu bác sĩ điều trị hỗ trợ. Nên nhớ, bệnh nhân khi phát hiện mắc COPD, nếu đang hút thuốc lá phải lập tức tìm các biện pháp cai ngay thuốc lá.
Hiện nay trên thị trường đã có các thuốc giúp cai nghiện thuốc lá chính là nicotine thay thế, varenicline, và buprobion. Các thuốc này giúp giảm nhẹ triệu chứng cai nghiện thuốc lá, đặc biệt trên người nghiện thuốc lá thực thể mức độ từ trung bình đến nặng. Như vậy, nếu bệnh nhân cai thuốc lá quá khó khăn, cảm giác thèm quá không cưỡng nổi, có thể yêu cầu bác sỹ kê thêm các thuốc hỗ trợ cai thuốc lá.
2. Tiêm phòng
 Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là đối tượng có nguy cơ dễ mắc và chịu các tác hại do nhiễm cúm và phế cầu. Nhiễm cúm, phế cầu có thể dẫn đến đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đôi khi phải nhập viện.
Tiêm ngừa cúm hàng năm ở bệnh nhân COPD đã được chứng minh làm giảm gánh nặng cúm trên nhóm bệnh nhân này.
Tiêm ngừa phế cầu với vắc xin cộng hợp một lần có giá trị bảo vệ lâu dài chống nhiễm phế cầu trên đối tượng bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Khuyến cáo của Chương trình Chiến lược toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - GOLD năm 2022 cũng khuyến cáo bệnh nhân COPD cần tiêm thêm một số vắc xin là vắc xin phòng Covid-19, vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván và Zona.
2

3. Tập vận động phục hồi chức năng phổi
Điều này đã được chứng minh cải thiện chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân COPD.
Bệnh nhân COPD thường ngại vận động vì vận động gây khó thở, tuy nhiên ngại vận động sẽ dẫn teo cơ, càng khiến cho bệnh nhân khó thở hơn khi vận động, và vòng lẩn quẩn này cứ tiếp diễn mãi.
Do đó người bệnh nên chủ động vận động như đi bộ, bơi lội, tập thở cơ hoành, tập thở chúm môi theo hướng dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị dùng thuốc (sử dụng đúng thuốc, đúng liều, và đúng cách) để giúp giảm triệu chứng khó thở khi gắng sức để tham gia tập vận động tốt hơn, hiệu quả hơn.
                                                                                                                                                                   Thanh Trà
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây