Đồng hành cùng bệnh nhân Alzeimer nhân Hưởng ứng Ngày Alzeimer Thế giới 21/9

Thứ tư - 21/09/2022 02:44
Alzheimer là loại bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất, gây mất trí nhớ phổ biến nhất ở nhóm người cao tuổi, nhiều năm gần đây căn bệnh này đã được ghi nhận đang ngày càng trẻ hoá. Bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội, việc điều trị bệnh này vẫn còn hạn chế nên việc phòng ngừa đóng một vai trò quan trọng. Ngày 21/9 hằng năm được chọn là ngày Alzeimer Thế giới và tháng 9 là Tháng Hành động phòng chống bệnh Alzeimer để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh Alzeimer và chứng sa sút trí tuệ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có gần 10 triệu trường hợp mới, cứ 3 giây là có một trường hợp sa sút trí tuệ phát hiện mới. Tổng số người bị sa sút trí tuệ được dự đoán sẽ đạt 82 triệu người vào năm 2030 và 152 triệu người vào năm 2050. Một nghiên cứu mới đây cho biết, trong số hơn 55 triệu người mắc chứng sa sút trí tuệ trên toàn thế giới, khoảng 60 - 70% trong số họ mắc Alzheimer. Và có 10 % trong số 33 - 38,5 triệu người mắc Alzheimer khởi phát các triệu chứng mất trí nhớ bắt đầu trước 65 tuổi.
alzeimer
 

Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với 11% dân số trên 60 tuổi. Sa sút trí tuệ là một trong những vấn đề lớn nhất đối với người cao tuổi, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, bệnh sa sút trí tuệ, thể Alzheimer rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo, Alzheimer là một bệnh phức tạp với nhiều yếu tố nguy cơ, một số yếu tố như tuổi tác và di truyền là nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Biểu hiện sớm của bệnh là rối loạn nhận thức gồm quên tên người rất quen biết hoặc những sự kiện mới, hay lẫn lộn; các triệu chứng nhận thức cảm xúc là cảm xúc không ổn định, hay bực dọc, thường phản ứng bùng nổ cảm xúc với bạn bè và người thân, xua đuổi mọi người không chịu tiếp xúc, gây ra các vấn đề tồi tệ, cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu… Ở giai đoạn trung gian, người mắc bệnh thường gặp khó khăn khi nói vì quên những từ ngữ thông thường, thay đổi tính cách, quên những động tác sinh hoạt cá nhân, mất định hướng về thời gian và không gian. Giai đoạn nặng hơn, chứng quên rất trầm trọng, họ mất toàn bộ khả năng sinh hoạt thường ngày, không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân... Người bệnh phải dựa vào sự hỗ trợ của người thân ngày một nhiều hơn, từ đó đặt gánh nặng lên người chăm sóc mình.

Với bệnh Alzheimer, hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và triệt để, một số biện pháp điều trị chỉ có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh. Để phòng ngừa bệnh Alzheimer, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên thực hành một lối sống lành mạnh để não bộ nằm trong tầm kiểm soát. Hàng ngày, thường xuyên hoạt động trí não như đọc báo, nghe nhạc, tham gia các buổi sinh hoạt, kể lại câu chuyện vừa đọc hay một bộ phim vừa xem xong; luyện tập các động tác thể dục nhẹ nhàng, đều đặn; duy trì chế độ ăn nhiều trái cây, rau, củ, hạn chế ăn chất béo, chất ngọt và các đồ uống kích thích như rượu, bia và bỏ thuốc lá...

Ngoài ra, để có thể phòng ngừa và giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, mọi người cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Qua đó, các bác sỹ sẽ chẩn đoán, xác định bệnh và có biện pháp điều trị hỗ trợ càng sớm càng tốt. Điều này có ý nghĩa rất lớn, không những giúp người bệnh giảm các triệu chứng, sớm cải thiện tình trạng bệnh, giúp cải thiện chất lượng sống mà còn chia sẻ, đồng hành với người nhà, giảm gánh nặng bệnh tật trong việc chăm sóc.

Thanh Bình (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây